by Nguyên Hưng on Wednesday, March 14, 2012 at 11:12pm
Không chỉ là điêu khắc gia, Michelangelo còn là hoạ sĩ, kiến trúc sư, nhà thơ, và là kỹ sư. Trong lĩnh vực nào, ông cũng có những thành tựu xuất sắc. Không chỉ có nhiều thành tựu, ông còn là tấm gương về niềm say mê với sức sáng tạo và sức lao động phi thường. Chẳng phải ngẫu nhiên mà cho đến ngày nay, ai cũng phải thừa nhận, ông là một trong những nhân vật vĩ đại nhất thời Phục Hưng. "Một người khổng lồ"!
Chính ông, bằng tài năng và nhân cách của mình, cùng với những người như Leonardo da Vinci, Raphael đã “buộc” nhân loại phải có một cách nhìn khác, một cách nghĩ khác về vai trò và vị thế của người hoạ sĩ và điêu khắc gia trong xã hội. Cho tới ngày nay. Trước đó, trong mắt mọi người, cho dù đầy vẻ quyến rũ và đặc biệt, hoạ sĩ và điêu khắc gia cuối cùng cũng chỉ là những “người thợ”, những kẻ “lao động chân tay thấp kém”!
Có nhìn trên nền bối cảnh này, mới thấy tầm ảnh hưởng của ông lên thời đại lớn lao như thế nào. Ngay khi ông còn sống, tầm vóc vĩ đại của ông đã được công nhận. Ông có lẽ là người duy nhất đương thời có tiểu sử được xuất bản khi đang còn sống. Giorgio Vasari, người đã viết về ông, trong sách của mình đã cho rằng ông là động cơ của mọi thành tựu nghệ thuật từ khi bắt đầu thời kỳ Phục hưng, một quan điểm vẫn tiếp tục được ủng hộ trong lịch sử nghệ thuật trong nhiều thế kỷ...
Dưới đây là đôi nét chính trong sự nghiệp nghệ thuật của Michelangelo.
Michelangelo, tên đầy đủ Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni, sinh ngày 6 tháng 3 năm 1475 tại Caprese gần Arezzo, Tuscany. Lúc mới mười ba tuổi, Michelangelo được nhận vào học việc tại xưởng của hoạ sĩ Domenico Ghirlandaio, và ông đã tỏ ra là một "nghệ nhân" xuất sắc. Chỉ một năm sau, tức khi chỉ mới 14 tuổi, Domenico Ghirlandaio đã phải trả tiền công cho ông như phải trả cho một "nghệ sĩ thực thụ". Đó là điều vô cùng hiếm có ở thời kỳ đó. Từ năm 1489, được sự bảo trợ của Lorenzo de' Medici - nhà cai trị trên thực tế của Florence - Michelangelo theo học điêu khắc với Bertoldo di Giovanni, một điêu khắc gia có ảnh hưởng lớn lúc bấy giờ. Tại học viện của Bertoldo di Giovanni, Michelangelo tiếp thu ảnh hưởng lớn cả về quan điểm lẫn nghệ thuật bởi các nhà triết học "Tân Platon" nổi tiếng nhất thời ấy như Marsilio Ficino, Pico della Mirandola và Angelo Poliziano... Trong thời gian này, ông đã thực hiện các bức phù điêu nổi tiếng Madonna of the Stairs (1490–1492) và Battle of the Centaurs (1491–1492)
Madonna of the Stairs, 1490-92, đá cẩm thạch, 56 x 40 cm, đặt tại Casa Buonarroti, Florence
Battle of the Centaurs , 1492, đá cẩm thạch, 84,5 x 90,5 cm, đặt tại Casa Buonarroti, Florence
Michelangelo tới Rome ngày 25 tháng 6 năm 1496, ở tuổi 21. Tháng 11 năm 1497, Hồng Y Jean de Billheres - một đại diện người Pháp tại Rôma - đặt ông thực hiện tác phẩm Pietà. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Thời ấy, người ta đã nói về tác phẩm này: "một sự phát lộ mọi tiềm năng và xung lực của nghệ thuật điêu khắc". Còn theo Vasari: "Chắn chắn đó là một điều thần diệu mà một khối đá có thể được tạc thành, một sự hoàn hảo mà thiên nhiên không thể tạo ra trong đó."
Pietà, 1499, đá cẩm thạch, cao 174 cm, đặt tại Basilica di San Pietro, Vatican
Về tác phẩm này, tôi đã có bài giới thiệu, hiện lưu ở địa chỉ:
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110318/9395
Michelangelo quay trở lại Florence năm 1499. Ông được yêu cầu hoàn thành dự án còn dang dở đã được bắt đầu từ 40 năm trước đó bởi Agostino di Duccio: một bức tượng khổng lồ thể hiện David như một biểu tượng của sự tự do của Florence. Michelangelo đáp ứng bằng cách hoàn thành một tác phẩm rất nổi tiếng của mình, tượng David (năm 1504). Kiệt tác này, đã minh chứng cho sự xuất chúng của ông với tư cách là một nhà điêu khắc có tài năng kỹ thuật phi thường và sức mạnh của khả năng sáng tạo biểu tượng.
David, 1504, đá cẩm thạch, cao 434 cm, đặt tại Galleria dell'Accademia, Florence
Dưới đây là hình ảnh đặc tả chi tiết:
Năm 1505 Michelangelo được Giáo hoàng Julius II mới được bầu mời quay trở lại Rome. Ông được yêu cầu xây dựng hầm mộ cho Giáo hoàng. Dưới sự bảo trợ của Giáo hoàng, Michelangelo phải liên tục dừng công việc ở hầm mộ để hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác. Bởi những sự ngắt quãng này, Michelangelo đã mất 40 năm cho hầm mộ. Hầm mộ, với trung tâm là tượng Moses của Michelangelo, không bao giờ được hoàn thành ở mức khiến ông hài lòng, nhưng nó vẫn đi vào lịch sử như một tác phẩm bất hủ...
Hầm mộ Julius II, 1545, đá cẩm thạch, tại Nhà thờ thánh Pietro ở Vincoli tại Rome
Dưới đây là hình ảnh đặc tả chi tiết:
Moses, 1515, đá cẩm thạch, cao 235 cm
Cũng trong giai đoạn này, Michelangelo nhận yêu cầu vẽ trần Nhà nguyện Sistine, và ông đã mất gần bốn năm để hoàn thành (1508–1512).
Vòm Nhà nguyện Sistine
Về tác phẩm này, tôi cũng đã có bài giới thiệu, hiện đang được lưu ở địa chỉ:
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110526/10555
Năm 1513 Đức Giáo hoàng Julius II qua đời và người kế vị ngài - Đức Giáo hoàng Leo X - một thành viên gia đình Medici, đặt hàng Michelangelo xây dựng lại mặt tiền của La Mã pháp đình San Lorenzo tại Florence và trang trí nó bằng những tác phẩm điêu khắc. Michelangelo đã mất gần 3 năm chuẩn bị các phác thảo và tổ chức việc khai thác đá phục vụ công trình, nhưng công việc bị huỷ bỏ do sự thiếu hụt tài chính của những người bảo trợ.
Trong hai thập niên 1520 và 1530, Michelangelo dành hết thời gian thực hiện nhà nguyện trong nghĩa trang của gia đình Medici tại La Mã pháp đình San Lorenzo. Công trình này đã được xem là minh họa tốt nhất về sự tích hợp tầm nhìn về điêu khắc và kiến trúc của người nghệ sĩ... Dưới đây là vài hình ảnh:
View of the Medici Chapel, 1526-33, đá cẩm thạch
Chi tiết:
Tomb of Giuliano de' Medici, 1526-33, đá cẩm thạch, 630 x 420 cm
Tomb of Giuliano de' Medici (detail), 1526-33, đá cẩm thạch
View of the Medici Chapel, 1526-33, đá cẩm thạch
Chi tiết:
Tomb of Lorenzo de' Medici, 1524-31, đá cẩm thạch, 630 x 420 cm
Tomb of Lorenzo de' Medici (detail), 1524-31, đá cẩm thạch
Từ năm 1534 tới tháng 10 năm 1541, theo yêu cầu của Đức Giáo hoàng Clement VII, Michelangelo thực hiện bích hoạ "Cuộc phán xét cuối cùng" trên tường Cung thánh Nhà nguyện Sistine. Mặc dầu Đức Giáo hoàng Clement VII đã chết ngay sau khi giao việc, nhưng Đức Giáo hoàng kế nhiệm Paul III đã để cho Michelangelo tiếp tục và hoàn thành tác phẩm. Đây là tác phẩm vô cùng xuất sắc, nhưng đương thời, đã gây ra những cuộc tranh cãi gay gắt. Chủ yếu là do Michelangelo đã "khoả thân" tất cả. Lúc ấy, mọi người cho rằng nó "tục tĩu và báng bổ". Hồng y Carafa và Monsignor Sernini (Thư ký của Đức Giáo Hoàng) đã kêu gọi kiểm duyệt và xoá bỏ bức tranh, nhưng Đức Giáo hoàng phản đối. Sau khi Michelangelo chết, mọi người quyết định che đi các bộ phận sinh dục, và Daniele da Volterra, một học trò của Michelangelo, được trao trách nhiệm làm việc này... (Một bản copy trung thành với bản gốc của Michelangelo, do Marcello Venusti thực hiện, hiện được lưu trữ tại Bảo tàng Capodimonte ở Naples).
"Cuộc phán xét cuối cùng", 1370 x 1220 cm, tường án thờ Nhà nguyện Sistine
Sự kiện "Cuộc phán xét cuối cùng" xoay quanh những hình ảnh khoả thân là đỉnh cao của các tranh luận đương thời, mà cho đến ngày nay, vẫn còn vô số giai thoại được lưu truyền. Trong đó, được biết đến nhiều nhất, là câu nói của Michelangelo trả lời những ai kết án mình: “Thiên Chúa đã sinh ra con người trong hình hài đẹp đẽ giống Người. Chỉ có những kẻ thiếu đức tin với tâm hồn gian trá mới xấu hổ vì sự loã lồ”!
Trước đó, hình ảnh Chúa Giêsu cởi truồng khi vẫn còn là một đứa trẻ trong tác phẩm Madonna of Bruges, hiện đang đặt tại nhà thờ Thánh Mẫu ở Bruges, Bỉ, cũng là đề tài gây tranh cãi và đã bị che phủ đi trong nhiều thập kỷ.
Madonna and Child, 1501-05, đá cẩm thạch, cao: 128 cm, Bruges
Năm 1546, Michelangelo được chỉ định làm kiến trúc sư Vương cung thánh đường Thánh Phêrô tại Vatican. Đây là công trình kiến trúc quan trọng nhất của ông, và cũng là công trình kiến trúc quan trọng nhất đối với Giáo hội Công giáo. Ông đã thiết kế mái vòm nổi tiếng của nó. Tiếc là ông đã mất trước khi công trình được hoàn thành. Dưới đây là hình ảnh Vương cung thánh đường Thánh Phêrô với mái vòm độc đáo của Michelangelo:
Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Vatican
Như đã nói, trên đây chỉ là điểm qua đôi nét chính trong sự nghiệp nghệ thuật của Michelangelo. Còn có nhiều chuyện để nói, và còn có vô số vấn đề quanh Michelangelo đáng để tìm hiểu, lý giải...
Chắc chắn chúng ta sẽ còn phải quay lại với Michelangelo, nếu còn tiếp tục nói về nghệ thuật Công giáo.
Nguyên Hưng
Tài liệu tham khảo chính:
1. Câu chuyện nghệ thuật của E.H. Gombrich
2. Câu chuyện nghệ thuật hội hoạ của Sister Wendy Beckett
3. Từ điển trực tuyến wikipedia
Dưới đây là một số tác phẩm nổi tiếng khác của Michelangelo:
Thánh Paul, 1503-04, đá cẩm thạch, cao: 127 cm, đặt tại Duomo, Siena
Thánh Peter, 1501-04, đá cẩm thạch, đặt tại Duomo, Siena
Madonna (Pitti Tondo), 1504-05, đá cẩm thạch, 85,8 x 82 cm, đặt tại Museo Nazionale del Bargello, Florence
Christ Carrying the Cross, 1521, đá cẩm thạch, cao 205 cm, đặt tại Santa Maria sopra Minerva, Rome
Pietà, 1550, đá cẩm thạch, cao: 226 cm, đặt tại Museo dell'Opera del Duomo, Florence
Nội thất nhà nguyện Sistine với hai tuyệt tác vĩ đại của Michelangelo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét