Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

'Cà phê hóa chất,' uống nhiều chết sớm

Tuesday, May 22, 2012 5:42:40 PM

VIỆT NAM (NV) -
Năm mươi sáu ngàn tấn cà phê không đủ, giới buôn bán đã pha thêm gần 20,000 tấn hương liệu tạo bọt, tạo màu và tạo mùi cho hàng triệu người nghiện cà phê nhâm nhi mỗi sáng ở Việt Nam.

Hóa chất chế nước lã thành cà phê. (Hình: Infornet)
Tiết lộ này thật ra chỉ là lời xác nhận tin đồn rải rác từ hàng chục năm nay về loại cà phê vỉa hè chứa đầy hóa chất chết người.
Theo Phòng Quản Lý Ngộ Ðộc Thực Phẩm thuộc Cục Vệ Sinh-An Toàn Thực Phẩm, các bà chủ quán cà phê đã không ngần ngại pha thêm một loại hóa chất để làm “tăng mạnh” nồng độ cafein trong lưỡi và mũi của người tiêu thụ. Nhiều người xác nhận rằng nhờ uống loại cà phê “đậm đặc” cafein hóa chất này mà họ cảm thấy tỉnh táo lạ thường.
Theo báo mạng Infornet, tiết lộ của Phòng Quản Lý Ngộ Ðộc Thực Phẩm cho hay, một số nơi còn pha thêm loại hóa chất có tên là sodium lauryl sunfate để tạo bọt. Loại hóa chất được dùng để sản xuất xà bông và bị cấm sử dụng trong ngành chế biến thực phẩm vì có thể làm tổn hại gan, bộ máy tiêu hóa của con người.
Cũng theo Infornet, giới buôn bán mạnh tay sử dụng các loại hóa chất tạo màu, tạo mùi, tạo bọt... khi pha chế bán cho dân nghiện cà phê chỉ vì lợi nhuận.
Một bà chủ sạp bán hóa chất ở chợ Kim Biên, quận 5 mới đây thú nhận: “Mỗi kí lô hóa chất có thể được dùng để làm ra hàng ngàn ly cà phê, lời gấp vài chục lần dùng cà phê thật. Muốn quán cà phê của mình sống vững, không thể không áp dụng biện pháp này.”
Sự thật này được ông Ðoàn Triệu Nhạn, chuyên viên Hiệp Hội Cà Phê-Ca Cao Việt Nam xác nhận. Theo ông, Việt Nam tiêu thụ mỗi năm khoảng 56,000 tấn cà phê. Trong số này có khoảng 20,000 tấn được pha chế với hóa chất các loại. Ông Nhạn nói: “Muốn ly cà phê có mùi thơm và vị béo, người bán cho một ít bơ và hạt đậu nành rang. Ðể ly cà phê có vị ‘gắt ở cổ hấp dẫn,’ người ta trộn thêm đậu đỏ. Người ta còn sử dụng cả tinh dầu cà phê để tạo mùi... Nhờ vậy mà càng bán chạy thì lời càng nhiều.”
Thực tế cho thấy ở chợ Kim Biên bày bán đủ loại hóa chất có mùi cà phê của Anh, Mỹ, Pháp, Ðức...
Theo một ông chủ sạp chợ Kim Biên, một chấm nhỏ bằng đầu tăm tinh dầu này cũng đủ giúp một ký cà phê có mùi thơm lừng xa vài ba thước. Còn loại hóa chất tạo bọt là một thứ bột trắng, chỉ cần cho vào ly cà phê một tí thôi cũng đủ làm nổi bọt “thèm chảy nước miếng,” theo lời của một bà chủ sạp khác ở chợ Kim Biên.
Chưa hết, chợ Kim Biên có đủ “phụ gia” biến ly nước lã thành cà phê ngon gồm màu caramel, đậu nành, thuốc quinine, tinh bột, chất tạo đặc, vani mùi, đường hóa học, bơ công nghiệp v.v...
Theo tiết lộ của một chủ phân xưởng xay cà phê ở quận 12, Sài Gòn, giá bán mỗi ký cà phê hạt trên thị trường hiện nay là 55,000 đồng, tương đương 2 đô la và mỗi ký hạt chỉ xay được 0.5kg cà phê bột.

Cà phê hóa chất đầy dẫy ở Sài Gòn. (Hình: Infornet)
Trong khi đó, giá mỗi ký cà phê bột mà chủ tiệm cà phê mua vào cũng chỉ với giá đó. Theo Infornet, chắc chắn trong ký cà phê bột đó chỉ có một tí cà phê thật, còn lại toàn là hóa chất.
Ðáng lo là tin đồn gây chấn động dư luận về sự xuất hiện của loại cà phê “dởm” nói trên hầu như không đánh động được những người có trách nhiệm về sự an nguy của người dân.
Tại Sài Gòn, các viên chức lãnh đạo thú nhận rằng “rất khó dẹp các sạp bán hóa chất cà phê  tại chợ Kim Biên.” Ông này cho biết: “Làm gì thì làm, chúng tôi khó mà giải quyết được gốc rễ vấn đề.” (PL)

Uống hóa chất hay cà phê ở TP.HCM?

Thứ hai, 21/05/2012, 14:24
“Em yên tâm, mỗi một kg hóa chất em có thể chế biến thành hàng nghìn cốc cà phê, lời gấp hàng chục lần so với bán cà phê thật, tội gì không làm”. Bà chủ sạp hóa chất tại chợ Kim Biên giới thiệu cho khách muốn mở quán.
Tìm hiểu về thông tin cà phê có tẩm các hóa chất gây hại cho sức khỏe, PV ra chợ và không khỏi sửng sốt trước ngồn ngộn những loại hóa chất, bột chế biến sẵn đóng gói để pha cà phê bán thu lợi nhuận cao nhất.  
"Thánh địa hóa chất" tại chợ Kim Biên có thể biến những thứ không
phải cà phê thành cà phê thơm ngon. Ảnh TN
 
Theo ông Đoàn Triệu Nhạn, Chuyên viên cao cấp Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 56.000 tấn cà phê. Trong đó, có ít nhất 1/3 số cà phê nói trên có sử dụng các loại phụ gia. Ông Nhạn tiết lộ thêm, để cho ly cà phê thơm béo, ngoài bơ, người ta còn độn thêm đậu nành rang. Để cà phê “gắt cổ”, người ta chọn chất độn là đậu đỏ. Ngoài ra, nhiều người còn sử dụng tinh cà phê để tạo mùi... Để tìm hiểu rõ về việc này, PV vào “thánh địa hóa chất” là chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM), nơi tập kết các loại hóa chất có khả năng “phù phép” được các “đầu nậu” chuyên cung cấp hàng sỉ cho các lò sản xuất cà phê bẩn.  
Tinh chất cà phê Robusta được bán tràn lan tại chợ Kim Biên với giá 350.000 đồng/kg. Ảnh TN  
Tại chợ Kim Biên, đập vào mắt người mua là la liệt những sạp kinh doanh hóa chất với đủ loại tinh cà phê của: Anh, Pháp, Đức, Mỹ... "Đây là những hóa chất tạo mùi tổng hợp, chỉ cần một chấm bằng đầu tăm sẽ làm 1 kg cà phê thơm lừng dù đứng cách xa vài mét", một người bán giới thiệu. Khi PV nói lý do đi mua chất tạo mùi cà phê về để mở quán cà phê vỉa hè, chủ sạp TT nhanh nhảu: “Có hai loại đều là tinh chất cà phê robusta RC 9535 nhưng mùi vị khác nhau. Một loại có vị hơi béo một chút và một loại có vị hơi đắng nhưng giá tiền thì bằng nhau, đều 350.000 đồng/kg cả. Nhưng để chế ngon hơn em cần mua thêm đường hóa học, bơ công nghiệp, bột vani, caramen… để tạo mùi vị và khi pha sẽ kết dính lại với nhau nhìn rất bắt mắt". Chưa hết, bà chị giới thiệu thêm "Cho thêm một chút bột trắng này, đảm bảo cốc cà phê có bọt nhìn không chê vào đâu được. Những chất này, ở đây đều có cả, nếu em lấy nhiều, chị sẽ bớt giá cho”. Theo quan sát của PV, những hóa chất này giá cũng khá cao. Đơn cử, caramen có giá từ 250.000 – 300.00 đồng/lít, bơ công nghiệp Trung Quốc giá 50.000 – 60.000 đồng/kg, tinh ca cao có giá 350.000 đồng/kg… Thấy chúng tôi còn ngần ngừ chưa mua, bà chủ sạp tiếp tục quảng cáo: “Em yên tâm, mỗi một kg hóa chất em có thể chế biến thành hàng nghìn cốc cà phê, lời gấp hàng chục lần so với bán cà phê thật, tội gì không làm”. Tương tự tại sạp hóa chất MH, chúng tôi cũng được săn đón nhiệt tình, chủ tiệm đọc vanh vách hàng chục loại hóa chất để chế biến cà phê như: để có màu đậm thì bỏ màu caramel, đậu nành; vị đắng thì có đậu nành rang cháy, đường thắng tới cháy, thuốc tây có gốc ký ninh (quinine); sánh thì tinh bột; chất tạo đặc thì có CMC; bọt thì có chất tạo bọt công nghiệp; mùi thơm có vani, bơ công nghiệp, đường hóa học… Nếu mua mỗi loại 1kg, giá lên đến gần 1 triệu đồng.  
Tinh chất cà phê được chiết sang chai nhỏ được PV mua về. Ảnh TN  
Theo tiết lộ của một chủ cơ sở rang xay cà phê ở Q.12, hiện cơ sở này có đến hơn 1.000 thương hiệu cà phê đóng gói từ những cơ sở chỉ có vài chục công nhân đến cơ sở có hàng trăm công nhân làm việc, với đủ các nhãn hiệu khác nhau được mang đi bỏ mối, chủ yếu cho các quán cà phê vỉa hè. Vị này cho biết thêm: “Trên thị trường hiện nay, giá bán cà phê nhân dao động khoảng 55.000 đồng/kg, mỗi kg nhân rang xay được hoảng 0,7 kg cà phê bột. Song, các hãng chỉ giao mỗi kg cà phê bột với giá 55.000 – 60.000 đồng. Nếu tính cả chi phí nhân công, nhãn mác, bao bì vận chuyển… thì họ cạp đất mà ăn à?”. Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, Giảng viên chính bộ môn dược Đại học Y dược TP.HCM cho hay, các chất như CNC nếu là loại được sử dụng trong công nghiệp mà cho vào đồ uống sẽ gây ung thư, caramen được sản xuất từ đốt cháy đường cũng phát sinh những chất độc hại gây ung thư. Bên cạnh đó, những loại đậu nành và bắp khi bị rang cháy đen cũng không còn giá trị dinh dưỡng gì cả. Riêng về việc kiểm soát các loại hóa chất này trên thị trường, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, rất khó để dẹp những sạp kinh doanh này. Hiện TP đang thực hiện việc rà soát lại tiểu thương và các đơn vị kinh doanh để điều chỉnh loại hóa chất, chứng nhận VSATTP. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý hàng hóa và xử phạt các cơ sở sản xuất thực phẩm có sử dụng hóa chất quá liều lượng, hóa chất độc hại. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những giải pháp tạm thời chứ chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề.  
Theo Infone

Cách pha chế Cafe ở TP.HCM

Thời trước các nhà sản xuất cà phê cho khoảng 10% bắp rang để lấy độ keo, 90% còn lại là cà phê thứ thiệt. Nay tỷ lệ cà phê chỉ còn... 10%, phần còn lại là đậu nành cháy và bột bắp được tẩm với hàng loạt hóa chất, hương liệu độc hại. Sự thật của ly cà phê! Thói quen của rất nhiều người dân là sáng sáng hớp một ngụm cà phê, hẹn hò bạn bè cũng cà phê, khi căng thẳng hay buồn ngủ cũng tìm đến cà phê. Rất nhiều người vốn chỉ uống theo thói quen mà không hề biết rằng thứ cà phê đó thực chất chỉ là hỗn hợp gồm bột bắp, đậu nành rang cháy và hương liệu hóa chất độc hại. Trên thị trường hiện nay, giá bán của cà phê nhân dao động từ 50-55.000 đồng/kg. Với 1 kg nhân cà phê chỉ pha chế được 0,7 kg cà phê bột. Giá cà phê cao như thế nhưng nhiều hãng cà phê chào hàng với giá cũng chỉ 55 - 60.000 đồng/kg cà phê bột. Nếu tính cả chi phí nhân công, nhãn mác, bao bì, tiếp thị, vận chuyển… thì chắc hẳn các hãng cà phê này sẽ lỗ to. Vậy họ kinh doanh kiểu gì?
Bắp, đậu nành được rang cháy đen, dùng làm nguyên liệu chính trong sản xuất “cà phê”
Hiện nay, khó thống kê được có bao nhiêu đơn vị sản xuất cà phê bột, chỉ biết rằng lượng cà phê và lượng người uống mỗi ngày là rất lớn. Thế nhưng, có một lượng không nhỏ cà phê đang được chế biến bằng… bắp và đậu nành. Sẽ là vô hại nếu những thứ đó được chế biến bình thường, nhưng đằng này chúng được sấy cháy đen thành… than rồi mới tẩm ướp, sau đó đóng gói và tung ra thị trường. Sau rất nhiều lần tìm hiểu, cuối cùng chúng tôi được một người có tiếng trong nghề pha chế cà phê “bật mí” công thức chế cà phê rởm. Càng rùng mình hơn khi tận mắt chứng kiến các lò chế biến cà phê dơ bẩn và truy tìm được nguồn cung ứng của các loại hóa chất độc hại làm hương liệu trong pha chế cà phê. Rùng mình “công nghệ” pha chế Đồng Nai được xem là nơi có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến cà phê, cung cấp không chỉ cho khu vực Đông Nam Bộ mà ở nhiều địa phương khác trong cả nước; thậm chí tràn sang cả thị trường Campuchia. Những cái tên như cà phê X.L, H.K, Đ.N, T.Đ… không thương hiệu nhưng lại len lỏi vào rất nhiều quán lớn, nhỏ. Qua giới thiệu, chúng tôi được tiếp cận với ông Nguyễn T.C. (ngụ ở phường Tân Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai). Ông là tay pha chế cà phê có kỹ thuật bậc nhất ở vùng này. Rất nhiều ông chủ ở Đồng Nai, TPHCM mời ông về pha chế. Ban đầu ông nhận lời nhưng sau này phát hiện các ông chủ chỉ vì chạy theo lợi nhuận mà đánh mất bản sắc cà phê nên ông không hợp tác nữa. Ông C. cho biết, những năm 80, các nhà rang xay cà phê cho khoảng 10% bắp rang để lấy độ keo cho cà phê, còn lại là cà phê thứ thiệt. Rồi trong quá trình chế biến, không biết ai đã “phát minh” ra đậu nành có thể thay thế cà phê! Càng ngày tỷ lệ thay thế này càng nhiều vì lợi nhuận của các nhà sản xuất và các chủ quán cà phê. Các chủ quán hẳn cũng biết tất cả, nhưng vì lợi nhuận, họ mua cà phê với giá càng rẻ càng tốt, khiến người sản xuất không cách nào khác là phải hạ giá tối đa. Và tất nhiên, đi kèm là phải hạ chất lượng.
Bắp sấy cháy này được xay thành bột trước khi tẩm hóa chất, hương liệu
Đem 2 ly cà phê ra, ông C. cho biết trong 2 ly này, 1 ly cà phê “xịn” và 1 ly đã pha chế tạp chất. Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, chỉ cần hớp một ngụm ông C. biết ngay ly bên phải là cà phê thứ thiệt, còn ly bên trái là cà phê “dỏm”. Sau đó ông “biểu diễn” cách pha chế ly cà phê “dỏm” với hương vị, màu sắc… y chang như gói cà phê mà mấy nhân viên chào hàng đem đến. Tiếp tục, ông C. mang ra một ít bột bắp, bột đậu nành cháy cùng đủ các loại hóa chất, hương liệu. Ông C. bảo, tùy theo sở thích của mỗi người mà mình có thể phân chia tỷ lệ cà phê - đậu nành - bắp - hàm lượng hóa chất, phụ gia một cách linh hoạt. Ai muốn đắng thì thêm đậu nành cháy, muốn nhiều bọt thì thêm xút, thơm thì “đôn” hương liệu… Cân đo, đong đếm vài phút, ông C. đã có một hỗn hợp gọi là cà phê không khác gì gói cà phê mà nhân viên chào bán mang đến quán của ông. Theo ông C., người Việt mình có thói quen thích uống một ly cà phê phải đậm, đắng, sánh, bọt, thơm và... rẻ tiền. Vì vậy, các chủ quán mua sản phẩm cà phê theo tiêu chí này. Ông C. cho biết, có cả hàng chục loại hóa chất, hương liệu để làm cà phê “dỏm”. Theo đó, để có màu đậm thì người sản xuất phải bỏ màu caramel, muối, đậu nành; vị đắng thì phải có đậu nành rang cháy, đường thắng tới cháy, thuốc tây có gốc quinin; sánh thì tinh bột, chất tạo đặc như CMC; bọt thì tất nhiên là chất tạo bọt công nghiệp; mùi thơm thì phải cho rất nhiều hương liệu… tinh sữa, tinh ca cao, tinh cà phê, bơ công nghiệp, đường hoá học, bột vani… Những hóa chất hương liệu này hiển nhiên đều là chất tạo màu, tạo mùi công nghiệp, nguy cơ gây hại cao.
Hỗn hợp bột bắp, đậu nành và hương liệu tạo thành “cà phê”
Nếu tính cả nhân công sấy, xay, đóng gói, bao bì nhãn mác… thì giá một kg cà phê bột cũng đã lên đến hơn 100.000 đồng. Nhưng trên thị trường hiện nay, đa phần các điểm bỏ sỉ cà phê đều với giá từ 50-60.000 đồng/kg. Ông C khẳng định: “Với giá như vậy thì chỉ có bột bắp và đậu nành chứ cà phê gì mà rẻ đến vậy”. Cơ sở để ông C. nói “chắc như đinh đóng cột” là bởi theo tính toán của ông, hiện giá đậu nành 13.000 đồng/kg và bắp 9.000 đồng/kg. Như vậy, hỗn hợp bột bắp, đậu nành, hương liệu, có thể có thêm chút cà phê nguyên chất mà bán đến 50-60.000 đồng/kg thì các cơ sở sản xuất cà phê kiểu này đã lời gấp 2, 3 lần rồi. Các cơ sở sản xuất cà phê “dỏm” đã đánh vào tâm lý các quán cà phê là chuộng hàng rẻ để thu lời nhiều. Mặt khác, do người tiêu dùng đã uống rất lâu “cái gọi là cà phê” nên họ không còn nhớ vị cà phê nguyên thủy nữa, nên có một thực tế là những người không tinh miệng sẽ... chê sản phẩm cà phê nguyên chất. Điều này làm đau đầu những nhà sản xuất có lương tâm! “Vì vậy, để hạn chế tác hại của “cà phê bẩn”, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng thì ngoài sự ra tay của các cơ quan chức năng còn cần sự góp sức của chính người tiêu dùng. Và cần lắm những nhà sản xuất có đạo đức, lương tâm” - ông C. thở dài kết luận.Những hóa chất “biến” bắp, đậu thành... cà phê. Lần theo những “đầu nậu” cung cấp hàng sỉ cho các lò sản xuất cà phê bẩn, chúng tôi phát hiện nguồn của loại hóa chất dùng trong pha chế cà phê chủ yếu là từ Trung Quốc, tập kết tại “chợ hóa chất” Kim Biên, SG.
Bột bắp + đậu nành cháy + hương liệu = cà phê Ông Nguyễn T.C (Biên Hòa, Đồng Nai) khẳng định rằng toàn bộ hoá chất chế cà phê bẩn đều có nguồn gốc Trung Quốc. Bằng nhiều con đường khác nhau, những loại hóa chất này được tập trung về chợ Kim Biên (phường 13, quận 5, SG). Đa phần những người chế biến cà phê “không lương tâm” đều đến chợ này để mua hóa chất, hương liệu. Nếu mua với số lượng lớn, thường xuyên, chủ lò cà phê sẽ được các “đầu nậu” giao hàng tận nơi.
Tinh ca cao cho vào bột cà phê để tạo mùi
Từ Đồng Nai, chúng tôi ngược về SG để đến với nơi bán loại hóa chất mà những chủ lò thường rỉ tai nhau là “nếu không có những thứ chất đó thì không bao giờ bột bắp, bột đậu nành có thể “biến” thành cà phê được”. Từ đầu cổng chợ, các ki-ốt chuyên bán hóa chất, hương liệu đủ loại mọc san sát nhau. Còn nhớ vào tháng 11/2009, khi thực hiện bài viết “Hãi hùng mục kích lò bún”, phóng viên Dân trí đã từng đến chợ này để tìm hiểu nguồn gốc và tác hại của loại hóa chất tẩy trắng bún có tên Tinopal. Đến nay, trở lại chợ sau gần 2 năm, chợ vẫn hoạt động buôn bán sầm uất, các loại hóa chất có phần đa dạng hơn. Vừa bước vào cổng chợ, chưa cần hỏi, chúng tôi đã được những người bán hàng chào mời, quảng cáo với mức độ đeo bám quyết liệt. Đa phần người vào đây là đi mua hóa chất, phụ gia, hương liệu… với nhiều mục đích khác nhau nhưng chắc chắn chủ yếu để phục vụ cho việc kinh doanh không chân chính. Các cửa hàng, ki-ốt bày bán la liệt những loại hóa chất, hương liệu với đủ loại nhãn mác, thương hiệu. Thấy chúng tôi đứng tần ngần trước cửa ki-ốt Đức T., bà chủ hàng chạy ra đon đả chào mời. Chúng tôi ngắm nghía một hồi lâu để tìm tên các loại hóa chất giữa “mê hồn trận” hóa chất của ki ốt. Bà chủ tỏ vẻ không hài lòng, quát: “Làm gì mà nhìn dữ vậy. Có phải công an, quản lý thị trường thì nói tiếng nghen. Đừng có hù à…”. Khi nghe chúng tôi giới thiệu là 2 khách “dưới tỉnh” lên Sài Gòn mua hóa chất về mở lò sản xuất cà phê, bà chủ dịu giọng, bắt đầu tư vấn cách chế biến cà phê bằng bột bắp, đậu nành… mà bà học được từ những khách hàng hay mua phụ gia tại đây. Bà Thảo nói ai muốn sản xuất cà phê theo công thức “không cà hoặc ít cà” đều phải mua các loại hóa chất có tên: CNC, caramen, tinh sữa, tinh ca cao, tinh cà phê, bơ công nghiệp, đường hoá học, bột vani
Caramen tạo mùi, màu và vị đắng tự nhiên
Tôi hỏi: “Chi nhiều dữ vậy?”. Bà Thảo cười, nhanh nhảu giải thích: “Chất CNC làm keo cà phê. Đảm bảo khi anh cho chất này vào là cà phê khi pha sẽ có chất kết dính sền sệt nhìn rất bắt mắt. Caramen thì tạo mùi vị. Anh muốn đắng kiểu nào cũng được, mùi nào cũng có. Còn chất tạo bột trắng này thì chỉ cần cho một chút là ly cà phê đầy tràn bọt khi khuấy nhẹ rồi…”. Giá các loại hóa chất này cũng không “mềm” chút nào. Trên mỗi loại đều có ghi bảng giá rất cụ thể. Chất CNC, caramen có giá dao động từ 250.000-300.000 đồng/lít. Tinh sữa 120.000đ/kg, tinh ca cao giá 350.000đ/kg, bơ (mỡ) công nghiệp của Trung Quốc có giá chỉ 50-60.000đ/kg… Hỏi có loại nào của Việt Nam không, bà Thảo chỉ ngay về phía góc trong nhà: “Đấy. Mỡ động vật. Mỡ cừu đấy. Nhưng giá 270.000 đồng/kg. Loại mỡ này dùng sấy cà phê thì tốt lắm nhưng có ai mua loại này đâu. Lỗ chết…”. Bình quân các cửa hàng này sẽ bán rẻ hơn 10.000-30.000 đồng cho mỗi loại hóa chất nếu khách mua sỉ, số lượng nhiều. Thường thì giá bán của các sạp bên ngoài cổng “mềm” hơn một chút so với các quầy bên trong chợ.
Tinh sữa cà phê
Để “níu khách”, bà Thảo còn nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng các loại hóa chất này sao cho phù hợp. “Anh mới mở lò, chắc chưa có kinh nghiệm lắm đâu… Sau khi bắp và đậu nành được xay nhuyễn, anh cho chút tinh sữa này vào thì bột trở lên bóng mịn, thơm và ngậy lắm. Muốn cà phê có mùi thơm phức như loại thượng hạng thì cho thêm tinh ca cao này vào. Khi pha chế, anh cho thêm ít đường hóa học vào thì đảm bảo dù bột bắp, đậu nành cháy đen, đắng cỡ nào nhưng khi cho vào sẽ giúp cho bột có vị ngọt, đắng tự nhiên. Để cà phê thêm đậm thì pha chút rượu Rum vào thì bột bắp cũng thành cà phê số một”.
Mỡ công nghiệp xuất xứ Trung Quốc để tạo độ béo ngậy cho cà phê
Ngoài việc bán hóa chất, nhiều cửa hàng ở chợ Kim Biên còn bán loại bao bì mẫu dùng để đựng cà phê. Nhiều nhất là khu vực đường Trang Tử (phường 14, quận 5). Ở đây thiết kế sẵn cả chục loại bao bì cực kỳ bắt mắt, rất đẹp với đủ trọng lượng khác nhau. Hầu hết cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ thường đến đây để lấy hàng. Giá bao bì mẫu khoảng 140.000 đồng/kg. Thông thường, các cửa hàng này chỉ nhận làm mẫu với số lượng từ 5kg bao trở lên. Mua bao xong chủ nhân muốn in tên gì lên trên cũng được, chỉ cần đem đến tiệm, chớp nhoáng là xong… Mang mớ hóa chất, hương liệu pha chế cà phê bẩn về mà lòng chúng tôi không thôi cảm giác hoang mang. Tôi chợt nhớ câu nói của người pha chế cà phê có tâm là ông Nguyễn T.C: “Nông dân trồng cà phê thì ít người giàu, nhưng các công ty cà phê lớn nhỏ đều giàu cả!”.
Chiều 31/5, trao đổi với Dân trí qua điên thoại, GS.TS Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục vệ sinh An toàn thực phẩm - Bộ Y tế - cho biết hiện nay có quá nhiều loại hóa chất không thể nhớ hết tên và công dụng. Việc các cơ sở sản xuất thực phẩm, thức uống như cà phê chẳng hạn lạm dụng hóa chất là không cần thiết. Trong công nghệ chế biến thực phẩm, có nhiều công nghệ và công nghệ phát triển, cải tiến từng ngày. Tuy nhiên, có 2 nguyên tắc chung, “bất di bất dịch” trong chế biến thực phẩm, thức uống phải tuân thủ là: tất cả các chất cho vào như tạo màu, tạo bọt, tạo thơm… phải được sự cho phép của Bộ y tế. Chất nào không được phép thì tuyệt đối không được cho vào. Tất cả sản phẩm đều phải công bố hàm lượng, tiêu chuẩn sản phẩm trên nhãn mác, bao bì. Một chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm cho biết, chất caramen, nếu được sản xuất từ đốt cháy đường thì cũng phát sinh những chất độc hại gây ung thư như các loại thực phẩm bị đốt cháy khác. Chất CNC, nếu là loại được sử dụng trong công nghiệp, có khả năng gây ung thư vì chứa nhiều tạp chất độc hại. Ngay cả loại dùng trong thực phẩm, nếu dùng quá liều cũng độc hại. Đối với các loại bắp, đậu nành, khi bị rang cháy đen thì không còn giá trị dinh dưỡng; đồng thời chúng sẽ sinh ra ít nhất 20 loại chất độc hại, trong đó có các chất: heterocyclic amines, acrylamide, HCAs... là những chất gây ung thư cho người sử dụng.
(Theo Dân trí)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét