Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Tu là vươn lên


Kính chuyển quý Anh Chị, quý Bạn bài đọc và trang web này, có những bài khảo cứu hay. Thời gian rãnh rỗi thay vì đọc những chuyện của thế gian chỉ làm tâm trí mình phiền toái thêm, hay đọc những bài làm thanh tịnh thân tâm này, nguồn vui sống và hạnh phúc tràn sẽ tràn đầy trong tâm.
Diệu Di







TU LÀ VƯƠN LÊN

Viết bởi Hạnh Chiếu   
Tu là vươn lên. Tại sao tu phải vươn lên? Tại vì nếu không vươn lên thì tu để làm gì? Vươn lên khỏi sự tăm tối khổ đau của cuộc đời, rốt ráo hơn nữa là vươn lên vượt thoát khỏi sanh tử. Người đời vươn lên nghĩa là phấn đấu để đạt địa vị, danh vọng, tiền tài… Người tu Phật vươn lên như thế nào? Vươn lên từ hố sâu vô minh tăm tối.

Con người luôn dao động với những trạng thái vui buồn giận hờn thương ghét… nhà Phật gọi là phiền não. Phiền não tức vô minh, si mê. Chúng sanh si mê nhiều đời, chớ không phải một đời, cho nên mới sinh ra là đã biết phiền não. Như em bé đói không kịp cho bú nó khóc. Do tức giận mà nói không được nó mới khóc, điều này đâu có ai dạy. Khi nó đang bú ngon lành mà không cho bú nữa nó cũng la. Đó là tham, tham ăn. Gốc tham sân si đã có sẵn, chứng tỏ ta mang nó theo từ đời trước. Do vô minh nên chúng ta bị ba thứ độc này sai sử, tạo nghiệp, thọ khổ, nối tiếp vòng trầm luân sanh tử không có ngày cùng. Bây giờ tu là chuyển gốc vô minh, để không còn lẩn quẩn trong con đường sai lầm ấy nữa.

Tham sân si là ba thứ cực độc, chúng ta biết sống với nó, nuôi dưỡng nó thì khổ, nên không ai thích nuôi dưỡng tham sân si. Không ai muốn mình giận, không ai muốn mình tham, không ai muốn mình ngu. Thế nhưng ba thứ ấy đã có mặt theo chúng ta từ lúc mới chào đời. Vì vậy có thể nói chúng ta sống chìm sâu trong si mê. Bây giờ muốn hết si mê, muốn giải thoát thì phải vươn lên khỏi nó, không có cách nào khác. Quý Phật tử thường hỏi quý thầy cô “Con có thể tu được không?” Xin thưa, được. Ai cũng có thể tu với điều kiện là phải chịu tu.

Chúng ta đều biết con người và ngoại cảnh đều bị chi phối bởi luật vô thường. Vô thường biến đổi các duyên theo hai chiều hướng, một là đi lên, hai là đi xuống. Tuy nhiên hướng đi lên bao giờ cũng khó đi, cần gắng sức hơn hướng đi xuống. Cho nên việc tu tập để chuyển hóa ba nghiệp cũng không dễ dàng thành tựu, nếu không có sự nỗ lực liên tục. Muốn thăng hoa đời sống tâm linh, chúng ta phải trải qua những trăn trở, vì từ lâu ta đã lún sâu trong vô minh, bây giờ chuyển mình vươn lên, không đơn giản chút nào. Một niệm tu thì hai ba niệm lười kéo lại. 

Thấy huynh đệ không có áo tràng, mình có hai cái muốn cho bớt một cái, nhưng cũng hơi tiếc tiếc, sợ mất cái này không có cái khác thay thế. Đó, một niệm bố thí thì hai ba niệm keo xẻn giữ lại. Vì vậy muốn cho thì cho thẳng tay, cho nhanh lên, cắt cái suy nghĩ toan tính, đừng trù trì mà tâm keo xẻn nhảy vào ngăn trở việc thiện. Thật ra, ta bố thí không bao giờ nghèo thiếu, chỉ có tâm keo xẻn lẫn tiếc mới làm cho mình nghèo thiếu. Trong sự tu, có bao nhiêu chướng duyên khiến ta đình trệ công phu, một nắng mười mưa, tu hoài không tiến. Nhưng xét cho cùng cũng tại lòng mình chưa quyết. Một khi đã quyết, không gì có thể ngăn cản được. 

Trong đời sống thế tục, người cư sĩ vốn nhiều lo lắng cho cuộc mưu sinh, nên việc thành tựu tâm nguyện tu hành không nhiều so với ước mong của mình. Cho nên phải tranh thủ góp nhặt từng chút duyên, từng chút thời gian để tu. Đừng ngán, nhất là đừng bi quan. Phật dạy chúng ta càng hiểu đạo, càng lạc quan yêu đời, làm mọi việc mà tâm không hề dính mắc, chứ không phải tiêu cực không muốn làm gì cả, sống không có trách nhiệm. Một thái độ làm việc hết sức bình thản trước thành công cũng như thất bại. Một thái độ làm việc lúc nào cũng muốn thành công, nếu không thành công liền chán nản bỏ việc. Hai thái độ rất khác nhau. Thành công trong cái nhìn trí tuệ không có nghĩa là lúc nào cũng thành công, mà thành công là đi trên thất bại như đi trên đất bằng. Bởi vì thất bại và thành công là hai mặt của một vấn đề, giống như mặt trái và mặt phải của một bàn tay. Chúng luôn đi đôi với nhau, hễ có thất bại thì phải có thành công, có thành công thì phải có thất bại. Cả hai đều có giá trị và làm thành cho nhau.

Có người nói số mình con ruồi làm đâu hư đó, gặp bạn không tốt, bị người gạt gẫm, tu tập cũng khó khăn. Điều này phải xét lại, bởi vì đôi khi ước muốn của họ đi xa thực tế, không đủ năng lực, làm những việc quá sức của mình thì làm sao thành công được. Có một câu chuyện kể về bốn người thanh niên ở cùng một xứ. Họ cùng học tập, cùng chơi thân và cùng lên kinh kỳ ứng thí. Trong đó, ba vị rất giỏi về chữ nghĩa, duy có một vị không thể học vô chữ nào. Nhưng vì mến thương nhau, nên mấy anh em đã động viên vị ấy cố gắng bằng cách cùng học với anh. Ba người học giỏi thay phiên nhau đọc tới đọc lui vào lỗ tai của anh bạn kém để anh thuộc. Họ hy vọng lên trường thi bốn anh em đều thành công, không có ai thất bại. Ngặt một nỗi, anh bạn kém chữ học ít thì quên ít, học nhiều lại quên nhiều. Bạn bè càng đôn đốc, anh càng tắt chữ. 

alt

Bốn anh ở chung trong một quán trọ, phía sau nhà có một cây đa rất lớn, bóng mát che khắp một vùng. Anh bạn dốt thường ngồi dưới gốc đa học bài. Nhưng anh có học được chữ nào, chỉ ngắm nhìn cảnh vật chung quanh thôi. Anh thích thú khi được gần gũi và yêu thương cây cỏ, chớ không thể thương yêu con chữ. Tối hôm đó trời chuyển mưa, sấm chớp giông bão kéo tới mịt mù. Mấy người bạn trùm chăn kín mít, anh dốt chạy ra nhìn trời rồi nhìn cây đa. Anh có linh cảm cơn mưa này dữ dội lắm, cây đa nằm ở khoảng đất trũng, nếu không tạo đường rảnh đưa nước ra ngoài thì nó sẽ úng nước chết. Dốt chữ nhưng anh lại có thiên tư dự đoán khí hậu thời tiết và sự sống của cây cỏ. Anh liền đi kiếm cây xuổng và bắt tay đào. Trời cũng bắt đầu mưa. Anh càng đào mưa càng to, sấm chớp dữ dội. 

Tiếng sấm chớp và tiếng mưa to quá, khiến mấy người bạn giật mình thức dậy, không thấy anh đâu, họ chạy tìm. Phát hiện ra anh đang dầm mưa hì hụt đào, không biết đào cái gì. Họ nghĩ chắc anh khùng rồi, định chạy tới kéo anh về. Thấy các bạn đến, anh mừng quá bảo bạn kiếm đồ đào phụ, nhanh lên. Các bạn bảo anh đi vô. Anh nói nếu không đào phụ, anh đào một mình, chứ không vô. Tình bạn của họ rất hay, tuy không hiểu chuyện gì mà thấy vẻ khẩn trương và cương quyết của bạn mình, cuối cùng bốn anh cùng dầm mưa đào. Mưa suốt đêm và các anh cũng đào suốt đêm. Với sự chỉ huy của anh bạn dốt, một đường mương dẫn nước thoát ra ngoài, cứu cây đa và cứu luôn cả quán trọ. 

Đào xong, ba anh kia sẩy tay, họ lăn đùng ra hết. Chỉ có anh bạn dốt ngồi dưới bóng cây, mừng quá anh khóc và nói với nó “ta cứu được mi rồi”. Bỗng ngay lúc đó anh nhận ra mình có duyên với cây cỏ, với công việc đồng án, chứ không có duyên với chữ nghĩa. Khi cầm xuổng trong tay anh thấy làm việc dễ dàng, thích thú, không khó khăn như học. Vì vậy trong khi ba bạn đang nằm vùi, anh để lại mấy chữ chúc các bạn thành công trên đường công danh và hãy yên tâm, đừng lo lắng cho anh vì anh đã tìm được cho mình một con đường. Thế là anh từ giã các bạn ra đi. Ba anh bạn kia thức dậy đọc lá thơ rất buồn. Nhưng biết bạn mình đã quyết, thì giờ ứng thí lại cấp bách nên họ không tìm kiếm nữa, mà lo tập trung vào việc thi cử. Kết quả cả ba đều đỗ đạt cao, một anh đậu trạng nguyên, hai vị kia chiếm bảng nhãn, thám hoa. 

Trải qua thời gian cách biệt khá lâu, anh bạn trạng nguyên được thăng quan tiến chức rất cao. Hôm nọ anh đi kinh lý ở một tỉnh xa. Quan sở tại địa phương được tin quan lớn ở trung ương về mà tìm không ra chỗ nào xứng đáng cho việc nghênh đón. Đang lo lắng, ông chợt nhớ tới khu vườn nổi tiếng của một đại phú nông. Quan sở tại liền mượn khu vườn ấy mở tiệc chiêu đãi. Chủ vườn chẳng những nổi tiếng về khu vườn mà còn nổi tiếng vì là tỉ phú, giàu có nức tiếng tại đó. Song hơn hết vẫn là sự khiêm tốn của phú ông, không muốn ló đầu lộ diện để khoe khoang sự thành đạt của mình. 
Quan lớn ở tại khu biệt thự ấy, khi tham quan khu vườn, ông hết ngạc nhiên này lại chuyển sang ngạc nhiên khác. Từ vườn cây cảnh cho tới vườn cây trái, chỗ nào cũng đáng khâm phục. Ngoài cái đẹp còn có kết quả thu hoạch không ngờ. Thán phục chủ vườn, vậy là quan khởi thắc mắc tại sao không nghe quan địa phương giới thiệu chủ khu vườn và ông yêu cầu được gặp chủ nhà. Đã là ý thượng quan nên bắt buộc chủ vườn phải ra mặt. Khi gặp nhau cả hai đều sững sờ, rồi ôm chầm lấy nhau. Quan trạng không ngờ anh bạn dốt ngày nào của mình bây giờ là chủ vườn có một không hai thế này. Thế là mọi người được rút lui, trả lại cho hai người bạn già cái không gian riêng tư của họ. 
Ngồi bên nhau nhiều giờ, mọi ngọt bùi được chia sẻ. Anh bạn dốt bắt đầu kể lại: Kể từ khi chúng mình cùng đào mương để cứu cây đa, tôi nhận ra mình không có khiếu học tập mà có khiếu công việc đồng án. Do đó tôi từ giã con đường mà các bạn đã tận tình giúp đỡ và động viên. Tôi biết mình không thể đi theo con đường đó. Với hai bàn tay trắng và một cây cuốc, nhưng đúng với sở trường nên tôi đã có được ngày hôm nay. Từ đó tôi rút ra được một điều, mình cứ mơ tưởng về sự thành công của người khác, cho đó là thành công cao tột nhất rồi đeo đuổi theo, mà không biết đến khả năng của mình, thì đó chỉ là mơ tưởng hão huyền. Ta phải chọn con đường mà chính mình có thể đi được, không phải cứ đậu bằng này bằng nọ mới gọi là thành công. 

Lòng ta quá tham nhưng sức ta quá kém, nên mình càng muốn vươn lên lại càng lún xuống. Bây giờ té ở đâu thì đứng lên ở đó. Khổ ở chỗ nào thì từ đó mà vươn lên. Gia đình chúng ta không hạnh phúc, thường cãi vã thì phải ngồi lại với nhau, đối diện nhau mà sửa đổi cho nhu nhuyến, hài hòa. Không thể té ở mảnh đất này mà vươn lên ở mảnh đất khác. Tham vọng là những chủng tử xấu không thể nuôi dưỡng tánh giác an vui. Chúng ta sống tính toan nhiều tức lòng tham nhiều. Tham nhiều mà không thành tựu thì sân nhiều. Hai điều đó do đâu mà có? Do si. Vì vậy con người sống một cuộc đời lo toan, sợ hãi, bất an. 

Chúng ta thử đặt câu hỏi, mình tham cho ai? Có phải cho mình và người thân của mình. Cho tới tu cũng tham. Vì muốn khỏe, muốn sướng thân tâm này nên ta tu. Rốt lại chúng ta vẫn chưa ra khỏi cái vòng lẩn quẩn, ngụy tạo của bản ngã. Nhận ra được như vậy, chúng ta xác định lại mục đích tu hành của mình cho đúng đắn. Có thế kết quả an vui mới miên viễn chân thật. Khi gặp phiền não, tùy theo căn cơ của mình, chúng ta có thể ứng dụng ba cách quán chiếu sau đây để thực tập vượt qua:
Thứ nhất là quán nhân quả. Phật dạy phàm bất cứ một pháp nào được hình thành cũng đều đi từ nhân đến quả, cộng thêm các duyên hỗ trợ. Không có chuyện tự nhiên người ta chửi mình, tự nhiên họ lấy tiền của mình. Tất cả đều có nhân duyên, nhân duyên hoặc đời này hoặc những đời trước. Người thương cũng như người ghét mình, không có chuyện tự nhiên mà đều có nhân duyên. Tùy duyên gieo trồng sâu hay cạn mà chúng ta có những ân oán khác nhau. Khi bị mất tiền, mất sự nghiệp, bị người hất hủi, ta không buồn vì biết mình đang trả nợ trước. Khi được khen, được tiền, được quý mến, ta không mừng vì biết đây chỉ là nhân duyên tạm có, không trường tồn mãi mãi. 
Gặp nhau trong một gia đình là ân oán số một. Chúng ta đừng tưởng người ngoài mới ân oán mà chính người trong gia đình mới thật là ân oán. Người ngoài không thuận, ta không nói chuyện, không gần gũi, việc này dễ dàng. Nhưng người trong gia đình không thuận vẫn phải gặp gỡ mỗi ngày, thật là khó chịu. Cho nên Phật nói oán tắng hội khổ. Đừng nghĩ thương mới sống chung một nhà, do nhân quả đời trước, có khi ghét tới xương tới tủy, mà phải sống chung một nhà để trả nợ trước, muốn dứt cũng không dứt được. 

Khi quán chiếu theo luật nhân quả, chúng ta sẽ chấp nhận trả nghiệp và nhờ thế bớt khổ. Trả nợ phải vui vẻ mới hết nợ được, lúc mượn thế nào, khi trả cũng phải thế ấy. Người ta ghét mình một, mình ghét lại hai thì nhân đôi số nợ, chớ không phải trả nợ. Bây giờ người ta ghét mình, mình không ghét lại. Đó là ta tình nguyện trả nợ. Cuộc đời này rất bình đẳng, rất sòng phẳng trong lý nhân quả, đã vay thì phải trả, nhất định như vậy. Thương ghét cũng là một loại ân oán. Đã có ân oán thì đừng nên trốn tránh mà mạnh dạn đối diện, giải quyết cho xong. Người ta đối xử với mình thế nào cũng không hề than oán, không cần hỏi chừng nào hết nghiệp. Cứ vui vẻ chấp nhận tất cả, trả xong thì hết thôi, việc đó rất rõ ràng. Trên luật nhân quả, không có ai trốn chạy được cả. Ý thức được điều này tự nhiên chúng ta có sức mạnh, trả nghiệp rất dễ chịu. 

Nỗi buồn niềm đau là quả mà ta đã vay mượn, bây giờ phải trả. Thế thôi. Nếu hà tiện trả ít thì trả hoài, nếu hào phóng chịu trả nhiều thì trả mau. Cho nên mình có giận ai, nên mở tâm vô lượng tha thứ ngay. Thật ra bỏ qua hết mọi chuyện không phải tha thứ cho người khác, mà là tha thứ cho chính mình. Buông xả trạng thái giận hờn khó chịu là cứu mình, chớ đâu phải cứu ai. Người có tâm lượng lớn hay dung chứa hết thảy mọi thứ, là trả được hết tất cả nợ cũ. 

Cho tới ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên là Thánh đệ tử của Phật, trí tuệ, thần thông đệ nhất mà còn bị mẹ mắng trách cho đến ngày nhắm mắt. Mẹ ngài Xá Lợi Phất tin theo ngoại đạo. Biết mẹ tà kiến sâu nặng, nên ngài quyết định quay về nhà nhập Niết-bàn để độ mẹ. Thấy Ngài về bà chửi thôi là chửi. Ngài nói bà cũng chửi mà nín bà cũng chửi. Giờ tịch sắp đến, Ngài ngồi nghiêm trang hướng tâm về mẹ, nguyện cho bà chuyển tâm tà ác thành tâm chân chánh. Nhìn thấy sắc mặt của Tôn giả cứ sáng dần sáng dần và hiện tướng rất lạ, tự nhiên tình mẹ dấy lên mãnh liệt trong lòng, bà thấy thương Tôn giả quá. Biết lúc này có thể khuyên mẹ được rồi, Ngài nhắc nhở mấy lời và cho bà biết Ngài sẽ nhập Niết-bàn tại nhà trong đêm nay. Trước giờ phút ấy, bỗng nhiên bà ăn năn hối hận, lập tức chuyển tâm quay về quy y Tam bảo, sám hối mọi tội lỗi trước. Độ được mẹ xong thì Thánh tăng an nhiên thị tịch. 

Chúng ta tu gặp khó khăn, đừng buồn nản bởi vì trước kia mình đã gây tạo nghiệp không tốt. Bây giờ gặp khó là chuyện đương nhiên thôi. Vui vẻ chấp nhận chính là chuyển khó khăn thành thuận lợi. Đây là cách quán nhân duyên để vượt qua chướng ngại, phiền não trong khi tu tập. 

Thứ hai là dùng trí quán, tức dùng trí tuệ Bát-nhã quán chiếu ngũ uẩn vốn không. Phật dạy thân này không thật, sắc thọ tưởng hành thức không thật. Lỗ tai không thật, âm thanh cũng không thật, hai thứ này do duyên gặp nhau hay không gặp nhau, không ảnh hưởng đến chuyện an lạc của chúng ta. Dùng trí quán thấy tất cả các pháp đều không thật, như nước chảy mây trôi, tự nhiên tâm ta lắng dịu bớt sự dao động. Cảnh duyên cứ thay đổi, tỉnh biết là quyền của mình, không ai bắt buộc tâm tư chúng ta phải chạy theo nó. Mình toan tính cũng được, không toan tính cũng được, ai cấm đâu? Biết đâu mà cấm. Thực tập một cách nhẹ nhàng như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy sự tu tập thật là thú vị. Một đường gươm bén là đường gươm nhanh và gọn. Tu mà nặng nề khổ sở quá thì nên xem xét lại, coi chừng chúng ta dụng công sai. 

Chúng ta còn nhớ đường gươm của thái tử Tất Đạt Đa trong cuộc tranh tài với năm thái tử thành Ca Tỳ La Vệ? Người hùng lực chín mười với Ngài là Đề Bà Đạt Đa. Trong thi đấu cung kiếm, cả hai đều bất phân thắng bại, đến cuộc thi chém đại thụ, các hoàng tử khác đều chém không nổi. Đề Bà Đạt Đa chém mấy nhát, đại thụ từ từ ngã xuống, chứng tỏ sức mạnh của ông không phải tầm thường. Tới thái tử Tất Đạt Đa, Ngài bước đến gần đại thụ vẻ rất thong dong, từ tốn rút gươm phát ngang đại thụ hết sức nhanh và nhẹ. Cây vẫn đứng im, tựa hồ chưa từng có đường gươm nào chạm đến. Đề Bà Đạt Đa reo lên thái tử “Tất Đạt Đa đã thua ta rồi”. 

Cả triều đình bàng hoàng xốn xang. Vua Tịnh Phạn mặt rồng buồn thiu. Thấy vậy thái tử Tất Đạt Đa bảo “con đã chém xong”. Mọi người hỏi sao nó không ngã, Thái tử nói cây đứt đâu cần phải ngã. Bấy giờ có một làn gió thổi qua, đại thụ ngã xuống, mặt gỗ bóng nhẵn như được bào sẵn. Chừng đó mọi người mới trầm trồ xuýt xoa về tài năng và sức mạnh vô địch của Thái tử. Thì ra thanh gươm quá bén và đường gươm quá ngọt, quá nhuyễn cho nên cây đứt rồi nó vẫn không hay. 

Cũng thế, chúng ta tu làm sao mà đừng ai thấy khó chịu về sự tu của mình, bản thân ta cũng không cảm thấy mệt mỏi vì sự tu. Tu mà thiên hạ muốn chết với mình là tu không nhuyễn, không đúng. Sức mạnh bên trong không cần thể hiện ra ngoài, nội lực là tiềm năng được tích lũy qua quá trình công phu, càng lâu càng sâu càng lắng, chớ không cạn cợt và phô trương. Người có nội lực thâm hậu, vươn lên một cách mạnh mẽ nhưng không ai thấy. Còn chúng ta vươn lên một cách hì hà hì hụt, ma vương thấy tội nghiệp, nó kéo xuống cho rồi. 

Muôn pháp duyên sinh tùy hợp tùy tan, có gì dính dáng đến tâm chân thật của mình mà buồn mà vui. Thiền sư nói: “Mặc tình gió mát đưa mây trắng, đủ duyên thì ở hết duyên đi”. Không có vấn đề gì cho nên các Ngài sống rất nhẹ nhàng, tùy duyên mà bất biến. Dùng cặp mắt Bát-nhã quán chiếu như vậy để ruồng đuổi các cố chấp trong lòng, đưa tất cả các pháp trở về tánh không. Đó là cách quán thứ hai.

Thứ ba là thường rõ biết. Cách này hơi khó. Phải bén duyên với nhà thiền lắm mới thực tập được. Như khi nghe tiếng chửi ta biết rõ, vậy thôi, không cần phân biệt người kia chửi cái gì. Giống như ngài Vân Môn nói “Cây gậy là cây gậy”. Tiếng gì nghe ra tiếng đó, chỉ biết hay nghe là được rồi, không động niệm làm sao phiền não. Bấy giờ nhân quả ba đời đồng một lúc trả sạch. Tại vì đối với một tâm thanh tịnh thì tất cả đều là đạo, không có ân oán sai khác. Đây là trình độ cao sâu nhất. Chúng ta chưa tới chỗ này thì cứ yên lòng tu theo hai cách trước, từ từ vọng tưởng phiền não lóng lặng cũng sẽ vào được chỗ này.

Trong ba cách ấy, mỗi vị tùy duyên tùy thích chọn lựa ứng dụng, miễn sao có kết quả an vui, lợi lạc là tốt. Có nhiều cách để chúng ta tu, quan trọng là làm sao càng tu càng lạc quan. Nhìn thẳng vào mình là một cách tu mạnh mẽ, trí tuệ sắc bén. Như khi có nỗi khổ, chúng ta quán chiếu nỗi khổ không thật, thôi không buồn khổ nữa, tự an ủi một lúc nghe dịu lại. Trạng thái phiền muộn tuy có thuyên giảm, nhưng thật ra ta đang mượn pháp để vuốt ve bản ngã, vá lại những vết thương vừa bị sốc, bị va chạm, chớ chưa nhổ tận gốc khổ. Ngay khi tu chính mình cũng bị lừa, vì vậy hết nỗi khổ này lại đến nỗi khổ khác. Bởi vì chúng ta không phá bản ngã thì không thể bình an thật sự. 

Do đó chỗ này nhà thiền bảo cứ nhìn thẳng. “Buồn ơi, ta đang nhìn mi đây”, tự nhiên không còn thấy buồn ở đâu nữa. Dám nhìn thẳng mới thấy nó không thật, nó không phải là mình. Buồn vui đều do tưởng mà ra. Cái tưởng này ghê gớm lắm, nó vô hình nhưng làm cho chúng ta khổ không chỉ một đời mà vô số đời. Nghe một tiếng khen, lòng ta cảm thấy vui vui, nghe một tiếng chê, lòng cảm thấy khó chịu, bên ngoài vẻ mặt tuy bình thường nhưng trong lòng có buồn. Bấy giờ chúng ta cố bảo đừng buồn nữa, đó là cách tu. Tuy nhiên như vậy là ta thấy có nỗi buồn trước mắt. Bây giờ không bảo đừng buồn nữa, mà nhìn thẳng vào nó xem sao!

Một lời khen không phải vật chất cụ thể mà ta vui, ta thấy thích, thấy hạnh phúc. Nuôi nấng hạnh phúc bằng ảo giác như vậy thì chắc chắn hạnh phúc đó không thể bền lâu. Đau khổ cũng thế, do tưởng tượng mà có, nên nó không thật để chúng ta phải tìm cách loại bỏ đi đâu. Hay nhất là nhận ra nỗi buồn không thật, như vậy mới không có dấu vết bản ngã trong đó, mới nhổ sạch gốc khổ. Tâm hằng biết, không dao động, nhưng do mê ta tự đồng hóa mình với các pháp dao động bên ngoài, nên bị nó kéo đi. Vọng tâm biến đổi, vô thường từ đó lấn át che khuất tâm chân thật, lúc nào ta cũng thấy bất an. 

Duyên tâm theo cảnh, đến khi gặp cảnh bất như ý, phát sanh phiền não lại mượn pháp phá phiền não. Pháp là trí hữu sư, là kinh nghiệm từ ngoài đưa vào. Ta mượn cái bên ngoài để khỏa lấp nỗi buồn bên trong, nhằm bảo vệ bản ngã, thì càng tu chỉ càng thêm lẩn quẩn. Chừng nào nhận ra bản ngã không thật có, nó chỉ là tổ hợp duyên sinh, tâm cũng như thân đều không thật, chừng đó ta mới hết nhọc nhằn dụng công, mà kết quả lại đúng. Thật ra dùng pháp quán chiếu để làm bớt nỗi khổ không sai, nhưng chưa phải rốt ráo, chúng ta cần phải tiến thêm nữa mới thấy giá trị chân thật của việc tu hành. 

Chúng ta không dám đối diện với cái thật, chỉ thích đối diện với cái giả, làm sao thấy được sự thật. Do chưa nhìn tận căn để nên kết quả tu không được bao nhiêu. Vì vậy chúng ta phải vươn lên từ hố thẳm vô minh, cái làm chúng ta chìm sâu nhất chính là bản ngã. Một khi nhận ra nó không thật, chúng ta đã đốt được khá nhiều đoạn đường tăm tối. Bản thân đã không kẹt thì con cái sự nghiệp… cũng thoát ra. Nếu không tu tập như thế, chúng ta lún sâu trong cuộc sinh tử này, biết bao giờ mới ngoi lên được. 

Không chấp ngã không có nghĩa là chạy trốn trách nhiệm đối với những gì mình đã gây tạo. Chúng ta vẫn có trách nhiệm đối với xã hội, với gia đình, nhưng mọi việc thành bại không có gì quan trọng, không làm ta lo lắng ưu não. Cứ hết tình, hết mình trong cuộc sống, trong ứng xử, còn lại là chuyện của duyên. Thực hiện được tinh thần đó chúng ta không còn sợ hãi, không sợ khen chê, sống thanh thản an nhiên và sống rất có ý nghĩa với mình, với người. Khi ta làm sai mới sợ, nếu làm đúng rồi thì không có gì phải lo sợ. Người không mong cầu là người không bao giờ bị thất bại. Mình có một đồng không chịu xài một đồng, phải làm ăn cho có một triệu đồng nên đi vay nợ. Làm ăn thất bại thì mất luôn cả lời lẫn vốn, lại còn thiếu nợ nữa. Do quá si nên gánh luôn quá tham quá sân, nỗi khổ theo đó nhân lên rất nhiều lần.

Mục đích cứu cánh của người tu Phật là nhận lại cái thật nơi chính mình. Nó sẵn có nhưng nếu ta không nhận biết thì muôn đời sống trong tăm tối, phù hư, giả tạm và khổ đau. Bản tâm trong sáng thanh tịnh hằng hữu không bị thời gian, không gian làm biến đổi. Nó hiển lộ qua sáu căn, gọi là tánh thấy, tánh nghe… Như chúng ta cùng nhìn thấy nhau, cùng nghe mọi âm thanh chung quanh, tâm không khởi phân biệt thì tất cả thấy biết của chúng ta hoàn toàn bình đẳng như nhau. Hiểu rõ như thế nhưng ta quen chạy theo vọng tưởng phân biệt, bây giờ muốn nhận và sống lại với tánh ấy phải tập mới được. Nhà Phật gọi là tu. 

Tánh nghe của chúng ta luôn hằng hữu, có tiếng ta nghe có tiếng, không tiếng ta nghe không tiếng. Tiếng là âm thanh bên ngoài không thật, còn tánh nghe hằng hữu của mình là cái chân thật. Thấy biết đã sẵn, chúng ta cứ sống vô tư, đừng nghĩ ngợi nhiều. Ăn cơm vô tư, ngủ nghỉ vô tư, làm việc vô tư, nước ngập lấy gào tát ra vô tư. Nói vô tư không có nghĩa là bất biết, ai sống mặc ai, ai chết mặc ai, miễn mình yên thân thì… vô tư. Nhờ thực tập như thế, khi bị cằn nhằn ta nghe vô tư, không thấy khó chịu, cũng không ráng để nhẫn nhịn. Vô tư ở đây phải thật sự vô tư, lòng vui vẻ bình an, không phải vô tư theo kiểu thách đố, chọc tức lại người ta. Cho nên tu là cả một nghệ thuật sống. 
Nhà Phật có câu “liễu tức nghiệp chướng bổn lai không, vị liễu ưng tu hoàn túc trái”, nghĩa là hiểu rồi thì nghiệp chướng xưa nay không, chưa hiểu thì phải trở lại đền nợ trước. Để có một cuộc đời hạnh phúc an vui, chúng ta phải vươn lên khỏi si mê tăm tối. Dùng đuốc trí tuệ phá tan vô minh, mạnh dạn nhìn thẳng vào mình, vào đời, tự nhiên mọi thứ được sáng tỏ. Khi biết nó không thật, ta sẽ thấy yêu đời, yêu người, không còn thán oán trốn chạy nghịch duyên. Chấp nhận trả nghiệp phải là người có trí tuệ. Trí tuệ không chưa đủ, còn thêm lòng từ bi nữa. Trí tuệ là biết rõ, từ bi là không bỏ, không bỏ mọi nỗi khổ của nhân sinh. Đó chính là hai chất liệu căn bản trong một con người giác ngộ. 

Người tu càng khéo thì càng ung dung, nhẹ nhàng, thảnh thơi. Sống trong cộng đồng mà vẫn tỉnh thức như sống một mình, không làm thương tổn cộng đồng. Sự nghiệp lớn nhất của người tu là giác ngộ giải thoát, ngoài ra không có gì quan trọng. Giác ngộ là tiêu chí chính của chúng ta, cho nên nó là gốc. Gốc chỉ có một, còn ngọn ngành vô số. Gốc luôn vững chắc, còn ngọn mong manh dễ gãy khi có gió thổi. Tiếc một điều chúng ta chỉ theo ngọn mà bỏ gốc, do đó hay leo. Càng leo cao càng té đau. Phật nói thế gian có tới tám gió, chúng đua nhau mà quật, nhất định kẻ ở trên ngọn phải rớt thôi. Muốn khỏi té đau, chúng ta nên tuột xuống trước. Tu là bỏ ngọn về gốc. Danh vọng, tiền tài, vợ đẹp con ngoan… là ngọn, càng theo đuổi nhiều càng hiểm nguy. Nếu mất những thứ ấy, chúng ta không buồn mà biết rõ đó là ngọn, mất tốt. Các pháp hữu vi theo quy luật sanh diệt, có hợp có tan, không gì phải ngạc nhiên tiếc nuối hay đau khổ. 

Vươn lên của nhà Phật là khả năng buông xả. Lẽ ra nắm mới khó còn buông thì dễ, nhưng chúng ta quen nắm, quen chấp giữ nên buông không được. Tư tưởng con người luôn luôn chạy nhảy như vượn chuyền cành, nó nắm bắt hết thứ này đến thứ khác. Cho nên buông bỏ vật bên ngoài không khó, nhưng buông bỏ tư tưởng rất khó. Chúng sanh khổ là vì vọng tưởng nên ai buông vọng tưởng giỏi thì hết khổ. Chúng ta tu tập trước tiên phải tập buông, tức hạnh viễn ly. Viễn ly mộng tưởng điên đảo cứu cánh Niết-bàn, nghĩa là xa lìa vọng tưởng điên đảo, cuối cùng được an vui tịch diệt. Điều này đức Phật đã dạy rõ trong bài kinh Bát-nhã. Chỉ có người không nắm giữ mới không cần buông. Chúng ta còn nắm giữ thì phải buông.

Chúng ta tu cho tới lúc nghiền tu, không có gì vui bằng tu thì mới hiểu được diệu lực của Phật pháp. Muôn pháp tánh không, mà mình muốn giữ nó thì thật là một việc hoang tưởng. Muốn dứt được hoang tưởng này phải lấy trí tuệ của mình ra dùng. Đây là trí vô sư, không phải do học mà có, nó từ định mà có. Muốn lặng thì phải yên, muốn yên thì phải buông, không buông làm sao định được. Các duyên rủ sạch, ta giống như ngu như ngơ, nhưng không phải khờ. Lúc đó chuyên sống với tánh nghe tánh biết của mình, diệu dụng không thể lường, nhưng không phô trương. Đã có chư vị Tổ sư khi mất để lại nhục thân, đủ biết năng lực của các Ngài như thế nào. 

Năng lực của chúng ta cũng rất lớn nhưng mình không biết sử dụng, để vọng tưởng ô nhiễm che mờ. Phật tử chúng ta khi chưa biết tu thì thôi, nhưng đã biết tu thì phải quay về với chính mình. Ai cũng thương mình mà thực sự không biết thương mình. Do không biết thương mình nên cưu mang bao nhiêu hệ lụy, trói buộc vào thân vào tâm. Cứ nuôi dưỡng sân giận, tham lam, tật đố là giết chết thân tâm, chớ đâu phải chăm sóc thương yêu. Cho nên càng thương mình càng phải sống với từ bi và trí tuệ. Có người cả đời lăn xả vào công việc, chạy theo ngũ dục bao nhiêu cũng không ngán, mà ngồi thiền một tiếng đồng hồ ngán gần chết. Như vậy mà nói thương mình, đó là bỏ bê mình, hại mình, chớ không phải thương.

Thật ra chúng ta không quen ngồi tĩnh lặng, nên ngồi lại thấy khó. Tâm tĩnh lặng có sẵn không phải tập, nhưng vì ta lỡ để bụi bặm bám vào nhiều quá, che mất tâm thanh tịnh, bây giờ phải phủi bụi cho bản tâm hiện ra. Tập là tập phủi bụi. Chỉ có điều hồi trước mình hay bá vào bụi, dọc bụi, bây giờ biểu phủi bị cũng là một việc trái ngược với thói quen cũ, nên làm hơi khó khăn. Dùng trí tuệ ứng xử trong tất cả mọi hoàn cảnh, đây chính là công cụ duy nhất để phá tan cội gốc vô minh. Sử dụng trí tuệ một cách liên tục gọi là hành thâm. Khi nhìn cành hoa chỉ biết cành hoa, không xen niệm phân biệt cành hoa này đẹp hay xấu, không có ý tưởng phải đoạt cho được cành hoa hoặc vứt bỏ cành hoa. Đó là chúng ta đang thực tập trở về. 

Một khi dụng công đã quen, tâm không còn chạy theo cảnh, thì việc tu rất nhẹ nhàng, ít phí sức mà tỉnh lực mạnh. Chúng ta hữu duyên với Phật pháp, có niềm tin mãnh liệt vào khả năng thành Phật của chính mình, thì sớm muộn gì cũng thành tựu. Trở về với đức Phật có sẵn nơi mình không phải là việc bên ngoài, cũng không phải việc quá xa, nhưng nếu chúng ta không chịu tu và tu một cách liên tục, kiên trì, bền bĩ thì không bao giờ về được. Chỉ vậy thôi.

Hạnh Chiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét